TP Hội An (Quảng Nam) chính thức khởi động sự kiện Nét hoa nghề lần thứ 3 và Phiên chợ khởi nghiệp – Tiêu dùng xanh Hội An năm 2024.

Hình ảnh đẹp về Hội An nhìn từ trên cao

Sự kiện diễn ra tại Trung tâm làng nghề Kim Bồng, xã Cẩm Kim và các không gian sáng tạo trên địa bàn TP nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa các nghề, làng nghề truyền thống của địa phương; phát huy tay nghề và khả năng sáng tạo của những người thợ thủ công, nghệ nhân; đẩy mạnh hiệu quả công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

Bức tranh ngành nghề phong phú, đa dạng

Nét hoa nghề Hội An hứa hẹn sẽ là điểm giao thoa giữa truyền thống và hiện đại một cách tinh tế, nơi những sắc màu của sự sáng tạo trên nền các giá trị văn hóa truyền thống được gây dựng từ bao đời sẽ cùng nhau tỏa sáng, làm nên diện mạo mới cho một Hội An xưa cũ.

Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động là tọa đàm Hội An – Làng nghề lên số do UBND TP Hội An phối hợp với HoiAn Innovation Hub và Tonkin Media đồng tổ chức. Tham dự tọa đàm là các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các nghệ nhân, thợ thủ công, đại diện Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP và các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực liên quan đến nghề thủ công. Đặc biệt là sự tham gia, hướng dẫn, giới thiệu của các chuyên gia xây dựng chiến lược truyền thông, chuyên gia xây dựng mô hình du lịch, truyền thông du lịch…

Là nơi hội tụ của hơn 50 nghề thủ công truyền thống, trong đó nhiều làng nghề được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia, ngoài kế thừa những gì vốn có, cộng đồng cư dân Hội An còn sáng tạo, hình thành các nghề thủ công mới nhằm đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống. Tất cả tạo nên bức tranh kinh tế, ngành nghề sản xuất ở Hội An phong phú, đa dạng.

Du khách nước ngoài thăm làng nghề mộc Kim Bồng (Hội An)

Chiến lược phát triển văn hóa nói chung và sáng tạo văn hóa trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian đã được triển khai tốt ở Hội An thời gian qua là nhờ vào sự thay đổi nhận thức của chính quyền và toàn thể nhân dân TP; trong đó chính quyền đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng môi trường, liên kết và khơi thông các nguồn lực, ưu đãi đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp và người dân thông qua các chính sách phù hợp.

Việc Hội An chính thức là thành viên của Mạng lưới các TP sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian vào tháng 10.2023 vừa qua là cột mốc đánh dấu việc bảo tồn và phát triển các làng nghề cần bước sang một giai đoạn mới: Giai đoạn phải hoàn thiện chuỗi giá trị làng nghề. Trong đó, việc tái định vị sản phẩm, học cách kể các câu chuyện – tài sản của làng nghề để quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ để bán hàng tối ưu, hiệu quả là nhu cầu không thể thiếu. Đây là điều kiện quan trọng để các làng nghề phát triển bền vững. Chính quyền TP Hội An xác định đầu tư ứng dụng công nghệ số trong việc phát triển các làng nghề và nghề thủ công là một mục tiêu quan trọng.

Ứng dụng công nghệ để tối ưu chuỗi giá trị làng nghề

Tọa đàm Hội An – Làng nghề lên số là dịp để kết nối các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ thủ công, là cơ hội thảo luận, đề xuất giải pháp, cung cấp kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu chuỗi giá trị làng nghề, hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững. Qua đó, thúc đẩy giải pháp đầu ra cho các sản phẩm của làng nghề truyền thống, tái tạo dòng chảy mới – dòng chảy toàn cầu cho các sản phẩm thủ công mang bản sắc địa phương.

Trong khuôn khổ sự kiện Nét hoa nghề lần này còn có nhiều nội dung phong phú, đặc sắc như: Khai trương hoạt động hướng dẫn tham quan làng mộc Kim Bồng; triển lãm ảnh Hội An – Thành phố sáng tạo; giới thiệu – trình nghề truyền thống chuốt gốm Thanh Hà; điêu khắc mộc Kim Bồng; làm đèn lồng; làm đầu lân, thiên cẩu và mặt nạ ông địa; làm tranh, tre, dừa Cẩm Thanh; đan lưới và trang trí ngư cụ…

Bên cạnh đó còn có các hoạt động giao lưu, kết nối chuyên gia sáng tạo với sự tham gia của các họa sĩ, nghệ nhân thiết kế sản phẩm handmade, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm, trưng bày sản phẩm tái chế của xóm thủ công Hội An, giới thiệu bộ sưu tập “Mắt cửa” của nhà sưu tầm Bảo Ly… Qua đó tạo nên không gian hội tụ văn hóa, sáng tạo độc đáo để nhân dân và du khách khám phá, tiếp cận sâu hơn với văn hóa Việt nói chung và Hội An nói riêng.

Phiên chợ Khởi nghiệp – Tiêu dùng xanh Hội An 2024 là dịp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm hữu cơ và tái chế… tạo cơ hội để phát triển các sản phẩm địa phương theo hướng chuyên nghiệp hóa, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường, đẩy mạnh hiệu quả công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngoài ra còn nhiều hoạt động hấp dẫn khác như: Không gian ẩm thực Hội An; Thiếu nhi Hội An với làng nghề thủ công truyền thống; Trưng bày sách Nét hoa làng nghề, Hội thi Phụ nữ chung tay xây dựng Làng quê – làng nghề sinh thái Cẩm Kim; Trưng bày đèn lồng trên sông; Giao lưu Làng mộc Kim Bồng – Khơi nguồn sáng tạo,… cùng các hoạt động phụ trợ tại các làng nghề lân cận, sẽ mang đến cho công chúng những trải nghiệm mới lạ, giúp nhìn nhận vẻ đẹp Hội An ở một khía cạnh khác – bình dị và mộc mạc hơn.

Được biết, sự kiện này cũng là một phần cam kết của Hội An khi gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO trong việc phát triển Dự án Mộc Kim Bồng – Khơi nguồn sáng tạo nhằm phát triển hơn nữa làng mộc truyền thống lâu đời tại địa phương.

DS&CNVH (Tổng hợp)

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *