Năm 2017, ngành Văn hóa, – Thể thao, Du lịch tỉnh Quảng Ngãi chuẩn bị hai hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, đó là các địa điểm thuộc cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, huyện Ba Tơ và Di tích Khảo cổ Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ.

Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tham mưu cho Thủ tướng về lĩnh vực này đã họp để đánh giá hồ sơ và dường như, chỉ có một được chấp thuận, còn Di tích Khảo cổ học Sa Huỳnh phải để lại tới năm sau. Việc để lại tới năm sau đối với di tích này chắc chắn không phải giá trị tự thân của di tích không xứng tầm, khi mà Văn hóa Sa Huỳnh đã trở thành một trong ba di sản văn hóa nổi tiếng thế giới của Việt Nam, đó là Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Óc Eo ở miền Nam. Đó cũng là biểu tượng về lòng tự hào của mỗi người dân đất Việt đối với di sản đất nước được thế giới vinh danh và trân trọng.

Còn, với các địa điểm Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi được lựa chọn đưa vào hồ sơ lần này cũng hoàn toàn xứng đáng vì đây chính là nơi năm 1909, M.Vinet – viên thuế quan người Pháp đã phát hiện thấy di tồn các mộ chum tại cửa biển Sa Huỳnh, trước khi nó nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khảo cổ học nước ngoài lừng lẫy, để rồi được định danh là một văn hóa vào năm 1936, do nữ khảo cổ học nổi tiếng người Pháp M.Colani khởi xướng. Như vậy, Sa Huỳnh là đại diện, là quê hương của nền văn hóa Sa Huỳnh – một nền văn hóa mà cho tới những thập niên gần đây đã trở thành một giá trị hằng số của văn hóa miền Trung nước ta, trong đó, có cả những hải đảo xa xôi để chứng minh cho chủ quyền quốc gia dân tộc Việt Nam.

Giá trị trên đây được tóm lược chưa hẳn đã khái quát được vị trí của Văn hóa Sa Huỳnh/ Di tích Khảo cổ học Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Nó còn nhiều hơn thế, khi mà bài viết ngắn này không cho phép giải trình, do đó, việc chuẩn bị xây dựng hồ sơ cho nó trở thành một di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt trong tương lai thiết nghĩ cần phải có thêm những bổ sung để xứng đáng trong di sản văn hóa nước nhà và di sản văn hóa thế giới.

Hình ảnh cổ vật ở Sa Huỳnh

Vậy thì bổ sung thêm trong hồ sơ những điều gì?

Không gian sinh tồn của người Sa Huỳnh nói riêng và người cổ thuộc giai đoạn sơ sử ở Việt Nam nói chung, thiết tưởng chỉ còn lại duy nhất cho tới nay ở Sa Huỳnh. Đó không chỉ là nhận định của cá nhân mà của hầu hết các nhà nghiên cứu khảo cổ học, môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất… đã đến đây khảo sát, nghiên cứu trong nhiều năm qua. Với một đầm nước ngọt An Khê rộng lớn – nơi cung cấp nguồn sống cho người Sa Huỳnh cổ xưa (đang bị ô nhiễm), kết nối với nó là một bãi biển tuyệt đẹp, cũng là môi trường kiếm sống cho phương thức săn bắt, hái lượm của người Sa Huỳnh, theo đó, nó còn là một tiền cảng, để các tàu bè qua lại đây buôn bán, trao đổi, lấy nước ngọt cho một hải trình dài vào thời ấy cho tới nhiều thế kỷ sau này và cả những cánh rừng rộng (nay đã được tái sinh) – nguồn cung cấp nước cho đầm An Khê  hồ sơ đã không, hay chỉ đề cập tới như một sự liên kết lỏng lẻo mà không có giải pháp chặt chẽ, thiết nghĩ công việc bảo tồn không khả thi mà phát triển xây dựng ở nơi này đang đe dọa. Quy hoạch cho Di tích Khảo cổ học Sa Huỳnh ở đây phải rộng lớn hơn nhiều so với hồ sơ thì mới có thể giải thích được đời sống kinh tế của người Sa Huỳnh, theo đó, nó thực sự hỗ trợ cho di tích quốc gia đặc biệt phát huy hiệu quả khi du khách đến đây cảm nhận được đầy đủ cảnh quan sinh tồn của người cổ. Giữ được đầm – rừng – bãi biển – cồn cát tạo điều kiện cho phát triển du lịch sinh thái ở đây trong tương lai thay vì những nhà máy, xí nghiệp sẽ được mọc lên.

Hồ sơ cũng chưa khảo sát đầy đủ những giá trị Văn hóa Chăm Pa, sau Sa Huỳnh có mặt ở đây. Đó là những cây cầu đá bị sập xuống lòng đầm, đó là những con đường, những phế tích tháp… và những kết quả điều tra dân tộc học thực vật, xã hội học, cơ cấu cư dân, di tích vật thể và phi vật thể ở những làng xóm trong vùng quy hoạch để thấy được sự tiếp nối và kết nối giữa khu di tích quốc gia đặc biệt sau này với chúng, tạo điều kiện cho định hướng phát triển lâu dài, bền vững của địa phương cũng chưa được lưu tâm thích đáng. Lãnh đạo huyện Đức Phổ chưa thực sự thông suốt với quy hoạch lớn hơn như hiện nay, cũng là do chưa nhìn thấy khả năng phát triển kinh tế du lịch ở nơi này sẽ có những hứa hẹn đột khởi.

Điều tra xã hội học, điều tra văn hóa phi vật thể trong làng xóm để phát triển làng nghề, phát triển homestay, lễ hội v.v hỗ trợ cho di tích quốc gia đặc biệt rất có hiệu quả, nếu có sự nối kết khoa học, hợp lý.

Hồ sơ cũng chưa kết nối được với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, danh lam thắng cảnh trong một địa bàn rộng hơn, mà có những bia ký Chăm Pa trên đá mồ côi, những đền thờ, những giếng Chăm v.v gần đó, rất đặc biệt và lý thú…đều là sự hỗ trợ đắc lực cho di tích quốc gia đặc biệt khảo cổ học Sa Huỳnh ở đây.

Bảo tàng Sa Huỳnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng với quy mô tương đối hoành tráng và kết cấu khá bền vững, thế nhưng, nội dung trưng bày như hiện nay chưa xứng tầm với một nhà trưng bày bổ sung cho di tích. Dưới lòng những cồn cát ở đây còn chứa nhiều di sản văn hóa Sa Huỳnh, bởi với môi trường vô cùng thuận lợi như cảnh quan hiện còn, chắc chắn, vào thời cổ, những làng xóm, những khu mộ, những bến cảng… đã từng tồn tại nhiều hơn những điều chúng ta đã biết. Việc đầu tư nghiên cứu, khai quật thêm những địa điểm khảo cổ học ở đây để bổ sung hiện vật cho bảo tàng, thiết nghĩ là một nhiệm vụ trọng tâm. Bảo tàng Sa Huỳnh, đương nhiên của Sa Huỳnh Quảng Ngãi là cốt yếu, nhưng cũng rất cần sự đóng góp từ các địa phương có Văn hóa Sa Huỳnh – điều không quá khó khăn để kêu gọi hiến tặng hoặc mượn về để trưng bày. Bộ sưu tập Văn hóa Sa Huỳnh của bảo tàng tỉnh cũng là một hướng suy nghĩ để sẻ chia bước đầu. Cách trưng bày toàn bằng hình ảnh như hiện nay là không thể có khách tham quan, đó là chưa kể tới hai hố trưng bày ngoài trời lại quá đơn điệu so với những miêu thuật vô cùng phong phú hiện vật ở những hố khai quật tại đây qua nhiều mùa khai quật.

Còn một điểm quan trọng khác của hồ sơ chưa nói tới, đó là chính nơi này, nhà nữ khảo cổ học, TS Phạm Thị Ninh đã chứng minh rằng, lớp cư dân đầu tiên của Lý Sơn, đã từ đây ra đảo, lập làng ở Suối Chình và Xóm Ốc. Tư liệu ấy chẳng những chứng minh nguồn gốc bản địa của Văn hóa Sa Huỳnh mà nó còn phần nào chứng minh chủ quyền biển đảo Việt Nam từ hơn 3000 năm trước. Trong khi ấy, hồ sơ lại có sự liên hệ quá đậm về sự tương đồng và khác biệt của Sa Huỳnh với các nền văn hóa khác ở các quốc gia Đông Nam Á hải đảo, thiết nghĩ không hẳn sát sườn với Long Thạnh, Phú Khương và Thạnh Đức của huyện Đức Phổ – đối tượng cốt lõi của hồ sơ này.

DS&CNVH (Tổng hợp)

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *