Mặt nạ giấy bồi là đồ chơi Trung thu lâu năm của người Hà Nội. Trước đây, mỗi dịp Trung thu, món đồ chơi này rất phổ biến và thu hút trẻ em Thủ đô. Tuy nhiên đến nay, không còn mấy người gắn bó với nghề này.
Người “giữ lửa” cuối cùng
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan (quận Ba Đình) là một trong những gia đình nghệ nhân cuối cùng còn gắn bó và giữ được “bí kíp” làm nghề mặt nạ giấy bồi truyền thống. Những ngày Trung thu cận kề, 2 ông bà đang miệt mài sản xuất những chiếc mặt nạ để giao cho khách.
Đến thăm căn nhà ở phố Hàng Than của vợ chồng ông Hòa, bà Lan mới thấy được sự vất vả trong công cuộc duy trì nghề làm mặt nạ bằng giấy bồi. Hơn 30 năm nay, vợ chồng ông Hòa, bà Lan vẫn cần mẫn mỗi ngày làm ra những chiếc mặt nạ giấy bồi trên căn gác nhỏ ấy. Ông Hòa cho biết, nghề làm mặt nạ giấy bồi là nghề truyền thống của gia đình vợ. Gia đình bà Lan có 7 anh chị em nhưng không có ai theo nghề của các cụ. Năm 1979, khi 2 ông bà lấy nhau, bố vợ đã truyền nghề cho ông.
Hiện nay, gia đình ông là gia đình duy nhất ở Hà Nội còn theo nghề này và làm quanh năm ngày tháng. Cũng dễ hiểu bởi một lẽ, mặt nạ giấy bồi chỉ bán được nhiều khi mùa Trung thu tới. Căn phòng rộng chừng 20m2 của ông bà được chia làm hai, một bên để ông ngồi bồi giấy làm phôi mặt nạ, một bên để bà xếp sản phẩm đã được làm hoàn thiện chờ đem đi bán. Với 22 chiếc khuôn được đúc bằng xi măng, giấy vở học sinh đã qua sử dụng, giấy bìa cát tông, giấy báo và bột sắn quấy làm hồ, sơn tổng hợp các màu, vợ chồng ông Hòa đã cho ra đời nhiều sản phẩm mặt nạ đẹp mắt.
Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống thành công là cả một quá trình nghệ thuật, trải qua vô vàn giai đoạn, công sức. Đầu tiên phải xé giấy báo thật nhỏ. Tiếp đó, với các khuôn xi măng được đúc sẵn các hình thù ngộ nghĩnh, nghệ nhân sẽ lót dưới một lớp giấy trắng vào khuôn rồi đem từng lớp giấy vụn được gắn chặt với nhau bằng hồ dán phết thành lớp đáy. Những chiếc khuôn làm bằng xi măng được làm lên với những hình khuôn mặt truyền thống như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, trâu, lợn… Năm nay, ông Hòa còn sáng tạo thêm khuôn hình các nhân vật truyện tranh nước ngoài như Batman, Người nhện… để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn dán chồng lên nhau sẽ thành hình một chiếc mặt nạ giấy bồi. Mỗi lớp giấy được kết dính với nhau bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn.
Những chiếc mặt nạ sau khi dán xong sẽ được phơi khô, mà phải phơi khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu. Nếu dùng máy sấy khô, mặt nạ sẽ bị biến dạng, cong vênh, khó đeo. Vì thế, chỉ những ngày nắng, ông bà mới sản xuất còn ngày mưa thì tạm nghỉ.
Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. “Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được đẹp, không bị lấm lem. Tất các giai đoạn đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo, một chút nhẫn nại để tạo ra những hình thù như mình mong muốn.
Nỗi lo mai một
Tương truyền, từ thời kỳ văn hoá Đông Sơn cách đây khoảng 2000-3000 năm, người Việt cổ đã biết làm những chiếc mặt nạ từ nhiều loại chất liệu khác nhau như vỏ cây, da thú v.v..Về sau, khi con người đã văn minh hơn thì chất liệu làm chiếc mặt nạ đã được thay thế bằng giấy bồi. Và cũng như các sản phẩm mang tính văn hoá dân gian khác, chiếc mặt nạ phản ánh khá rõ nét cuộc sống, những mong ước của người nông dân Việt Nam xưa. Mặt nạ hình ông Địa với hình dáng tròn vo và sắc thái vui tươi tượng trưng cho sự màu mỡ sinh sôi nảy nở của đất đai, mùa màng. Mặt nạ hình thỏ ngọc lại tượng trưng cho sự đẹp đẽ, hài hoà của đất trời, ngày đêm ước vọng về thời tiết mưa thuận gió hoà cho sản xuất nông nghiệp v.v..
Trong khi nhiều người nước ngoài có dịp sang Việt Nam du lịch, họ phải tìm bằng được mặt nạ giấy bồi để mua về làm quà thì không ít người trẻ Việt lại cảm thấy xa lạ với món đồ chơi dân gian này. Có lẽ đây cũng chính là nỗi lo lắng của những ai muốn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống Việt Nam, vì sao chúng cứ mai một dần?
Làm nghề này nhọc nhằn là thế nhưng không giống với suy đoán của người ngoài, niềm hạnh phúc vẫn hiện rõ trong ánh mắt của đôi vợ chồng nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi duy nhất ở Thủ đô. Họ hài lòng với công việc của mình, lấy công làm lãi thì có sao, họ vẫn duy trì được cuộc sống, công việc và thói quen hàng ngày. Niềm hạnh phúc tưởng như khó giải thích ấy thực ra vô cùng giản dị.
Làm thế nào để kết nối người trẻ Việt với những nét văn hóa dân gian là câu hỏi chưa dễ gì trả lời được. Những chiếc mặt nạ vừa đáp ứng nhu cầu giải trí vừa mang những giá trị văn hóa truyền thống và chứa đựng biết bao câu chuyện hay vẫn không ngừng mai một và… mất tích nếu không còn ai tiếp nối. Nếu để ý sẽ thấy Tết Trung thu vừa qua, đồ chơi truyền thống dành cho trẻ em như đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi v.v.. đã bước đầu lấn át các loại đồ chơi nhập ngoại từ Trung Quốc. Đây là “tín hiệu vui” cho các làng nghề làm đồ chơi Trung thu, trong đó có sản phẩm mặt nạ bằng giấy bồi… Thiết nghĩ, việc giữ gìn và phát huy nghề làm mặt nạ giấy bồi nói riêng, nghề truyền thống nói chung cần một sự khích lệ kịp thời. Hơn ai hết, họ đang góp phần gìn giữ nghề truyền thống và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.
DS&CNVH (Tổng hợp)