Phố Hiến là một thương cảng – đô thị phồn hoa, nổi tiếng của Việt Nam vào thế kỷ XVII – XVIII, trải dài theo tả ngạn sông Hồng, được ví như “tiểu Tràng An” vì thế mà có câu: “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. 

Lễ hội văn hoá vùng Phố Hiến (Hưng Yên)

Trải qua thời gian, hệ thống quần thể di tích lịch sử văn hoá vẫn còn hiện hữu và các lễ hội văn hoá truyền thống vẫn được nhân dân gìn giữ, tạo nên những nét văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa của dân tộc ta. Phố Hiến gồm 16 di tích có giá trị tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật… thuộc các phường Hiến Nam, Lam Sơn, Quang Trung, Hồng Châu, Lê Lợi, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

1. Văn Miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn): dựng từ thời Lê và trùng tu năm Minh Mạng thứ 20 (1839), trên nền của chùa cổ Nguyệt Đường, mang đậm phong cách kiến trúc cung đình Huế, với tổng diện tích gần 6.000m2, gồm: Văn miếu môn, miếu thổ thần, lầu chuông, lầu khánh, tả/hữu vu, tiền tế, trung từ, hậu cung và công trình phụ trợ. Khu nội tự kết cấu kiểu chữ “Tam” gồm tiền tế, trung từ và hậu cung là nơi thờ Khổng Tử, Chu Văn An và các bậc tiên hiền đạo Nho. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ 9 tấm bia đá ghi danh các khoa bảng tỉnh Hưng Yên.

2. Đền Mây (phường Lam Sơn): thờ Phạm Bạch Hổ (910 – 983) – danh tướng đã từng phù giúp bốn vị anh hùng dân tộc thế kỷ X là Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Tương truyền, đền khởi dựng từ thế kỷ thứ X, đến năm 1882 và 1898, được trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, đền có kiến trúc kiểu chữ “Tam” gồm 05 gian tiền tế, 05 gian trung từ và 03 gian hậu cung với các hạng mục và cấu kiện kiến trúc còn tương đối đồng bộ, với nhiều mảng chạm khắc đẹp, tinh xảo mang đậm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Hậu Lê đan xen Nguyễn.

3. Đền Kim Đằng (phường Lam Sơn): thờ tướng quân Đinh Điền và phu nhân. Trải qua thời gian, đền đã bị hư hại, được trùng tu nhiều lần. Đến năm 1994, địa phương phục dựng lại 05 gian tiền tế trên nền cũ và tu sửa lại hậu cung. Hiện nay, đền có kết cấu hình chữ “Đinh” gồm nghi môn, nhà khách, 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung.

4. Chùa Chuông (phường Hiền Nam): là một trong những “danh lam cổ tích” trong Khu di tích Phố Hiến. Chùa được được trùng tu vào năm Chính Hoà thứ 23 (1702), Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Hiện nay, Chùa có kiến trúc kiểu “Nội công ngoại quốc” liên hoàn, cùng “Tứ thuỷ quy đường” mang đậm dấu ấn kiến trúc, mỹ thuật thời Hậu Lê đan xen Nguyễn. Khu thờ chính gồm: tiền đường, thượng điện, hai dãy hành lang, gác chuông, gác khánh, nhà Mẫu và nhà Tổ. 

Chùa Chuông

5. Đình An Vũ (phường Hiền Nam): thờ Cao Sơn Đại Vương (theo truyền thuyết là em họ Tản Viên), có công giúp Vua Hùng chống giặc. Đình xây dựng vào thời Cảnh Hưng thứ 2 (1741), được trùng tu năm Bảo Đại thứ 4 (1929). Hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, diện tích khoảng 3.135m2, gồm: nghi môn, đại bái, hậu cung. Các cấu kiện kiến trúc được chạm, trang trí nhiều đề tài: lá hóa rồng, lá lật, đao lửa… mang đậm phong cách mỹ thuật thời Hậu Lê.

6. Đền Nam Hoà (phường Hiến Nam): thờ ba vị thần là Đức Thiên Quan Đại vương, Đức Thổ Địa Long thần và Đức Thuỷ Phủ Động đình quân tôn thần. Đền được khởi dựng thời Nguyễn. Trải qua thời gian và lịch sử, đền bị phá bỏ nhiều hạng mục. Sau đó, chính quyền và nhân dân địa phương đã tiến hành phục dựng lại trên nền hậu cung trước kia. Hiện nay, đền có kiến trúc kiểu chữ “Nhất”, gồm 03 gian, bốn mái, theo phong cách kiến trúc truyền thống.

7. Đền Trần (phường Quang Trung): gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – người anh hùng dân tộc, được nhân dân tôn là “Đức Thánh Trần”, “Đức Thánh Cha”. Đền được khởi dựng từ sớm, đại trùng tu vào năm Tự Đức thứ 16 (1863). Hiện nay, đền có kiến trúc kiểu chữ “Tam” gồm tiền tế, trung từ và hậu cung.

8. Đền Mẫu (phường Quang Trung): được khởi dựng từ đời vua Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo thứ nhất (1279); năm Thành Thái thứ 8 (1896) được đại trùng tu như hiện nay, gồm: nghi môn, đại bái, cung đệ Nhất, cung đệ Nhị, cung đệ Tam, hậu cung, phủ Đông, phủ Tây và hai dãy giải vũ. Đền còn lưu giữ nhiều hiện vật, đồ thờ quý như: long sàng, long kỷ, kiệu võng, bát bửu, châm thư, hoành phi, câu đối, tượng, phù điêu, … mang đậm dấu ấn thời Lê – Nguyễn. Đặc biệt, đền hiện còn 15 đạo sắc phong từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn

9. Chùa Phố (phường Quang Trung): trùng tu, tôn tạo vào cuối thời Lê, đến đầu thế kỷ XX, Tổng đốc Thái Bình cho tu bổ lớn với mong muốn nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo của tỉnh Hưng Yên. Hiện nay, chùa gồm các hạng mục: tam quan, tiền đường, thiêu hương và thượng điện, được làm kiểu “trùng thiềm điệp ốc” liên hoàn với nhau. Ngoài ra còn có nhà Mẫu, nhà bia, khu tăng xá.

10. Đền Thiên Hậu (phường Quang Trung): thờ thần Hàng hải (bà Lâm Tức Mặc) – bảo trợ của ngư phủ và người đi biển. Đền do người Phúc Kiến (Trung Hoa) dựng lên vào thế kỷ XVI – XVII, đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Hiện nay, đền có kiến trúc kiểu “Nội tự ngoại tế” gồm: tam quan trong, thiêu hương, hậu cung, điện Mẫu cùng hai dãy giải vũ. Trang trí trên kiến trúc mô tả các tích cổ của Trung Quốc như: Tam quốc, Tây Du ký, cảnh bốn mùa xuân, hạ, thu, đông… được bảo lưu gần như nguyên vẹn đến ngày nay.

11. Võ Miếu (phường Quang Trung): do người Hoa xây dựng từ thời Lê Cảnh Hưng (1740) thờ Quan Công thời Tam Quốc, được trùng tu tôn tạo lớn vào thời Thành Thái (1898). Hiện nay, Võ Miếu có diện tích 612,8m2, kiến trúc kiểu “Nội công ngoại quốc” mang phong cách Việt pha lẫn kiến trúc Phúc Kiến (Trung Quốc), gồm: tam quan, sân, giải vũ, tiền tế, tòa thiêu hương, hậu cung.

12. Đền Bà Chúa Kho (phường Lam Sơn): thờ bà Lê Bạch N­ương- một phụ nữ trung quân ái quốc thời Lê, ngư­ời đ­ược triều đình phân công phụ trách kho ngân khố tại Vĩnh Ty Đồn (nay thuộc thành phố H­ưng Yên). Đền đ­ược xây dựng từ thế kỷ XVII đời Lê Hy Tông (1676 – 1682) và được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn. Hiện nay, Đền Bà có khuôn viên rộng 543m2, gồm: tiền tế và hậu cung, các hạng mục tương đối đồng bộ với nhiều mảng chạm khắc và hiện vật có giá trị cao.

13. Đình – chùa Hiến (phường Hồng Châu)

– Đình Hiến: được khởi dựng từ sớm, trùng tu lớn vào các thời Lê – Nguyễn. Hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Đại bái và Hậu cung. Các mảng chạm khắc được tập trung tại Đại bái với các đề tài tứ linh, tứ quý… mang dấu ấn mỹ thuật thời Lê – Nguyễn đan xen

– Chùa Hiến: khởi dựng vào cuối thời Lý, đầu thời Trần, trùng tu lớn năm 1892 niên hiệu Thành Thái. Hiện nay, chùa có kiến trúc kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hai dãy hành lang, hậu điện, nhà Tổ, nhà Mẫu… Tại sân chùa có cây nhãn Tổ nổi tiếng, cùng một số hiện vật quý như: tấm bia đá niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), 01 bia đá niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709)…

14. Đông Đô Quảng Hội – Thiên Hậu Cung (phường Hồng Châu): là nơi hội họp của các thương nhân nước ngoài, chủ yếu là người Hoa sang buôn bán ở Phố Hiến thế kỷ XVI – XVII, đồng thời là nơi thờ tam Thánh của người Hoa (Thần Thái Y, Thần Hoa Quang và Thần Nông). Thiên Hậu Cung là nơi thờ bà Lâm Tức Mặc – vị thần Hàng hải của người Phúc Kiến.

Đông Đô Quảng Hội – Thiên Hậu Cung được dựng vào thế kỷ XVI (1590) do 14 dòng họ người Hoa quyên góp để xây dựng nên. Ban đầu Đông Đô Quảng Hội có kiến trúc kiểu chữ “Nhị” gồm 03 gian Hội quán và 03 gian hậu cung còn Thiên Hậu cung gồm 3 gian Tiền tế và 3 gian hậu cung. Sau đó, đến thế kỷ XIX – XX, Đông Đô Quảng Hội – Thiên Hậu cung được trùng tu, tôn tạo lại. Hiện nay, Đông Đô Quảng Hội – Thiên Hậu Cung kiến trúc kiểu chữ “Công”, mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa đan xen với kiến trúc Việt.

15. Chùa Nễ Châu (xã Hồng Nam): được khởi dựng vào thời Tiền Lê, lúc đó ngôi chùa chỉ là 3 gian nhà lá. Đến thời Hậu Lê, chùa được đại trùng tu. Hiện nay, Chùa Nễ Châu, có kết cấu kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm: tam quan, tiền đường, thượng điện và hai dãy hành lang…, các hạng mục kiến trúc mang đậm phong cách đan xen thời Lê – đan xen.

16. Đền Cửu Thiên Huyền Nữ (phường Lê Lợi): thờ Đức Cửu Thiên Huyền Nữ – người giúp nhân dân trong lúc hoạn nạn, nguy nan nên được tôn làm thánh. Đền được khởi dựng từ sớm, trải qua nhiều lần trùng tu, lần gần đây nhất là đời vua Bảo Đại (1937). Hiện nay, đền có kiến trúc kiểu chữ “Công”, gồm: tiền tế, ống muống và hậu cung.

Khu di tích Phố Hiến có nhiều hiện vật tiêu biểu, phân bố ở tất cả các di tích, bao gồm: chuông, khánh, bia đá, hoành phi, kiệu bát cống, ngai, bài vị, sắc phong, tượng phật…

Phố Hiến trở thành một trung tâm chính trị – kinh tế – văn hoá với nhiều mối giao lưu quốc tế. Phố Hiến còn mang diện mạo của một đô thị kinh tế, kết cấu gồm: bến cảng sông, tập hợp chợ, khu phường phố và hai thương điếm phương Tây (Hà Lan và Anh). Mạch máu giao thương của Phố Hiến là sông Xích Đằng – đoạn sông Nhị Hà chảy sát Phố Hiến. Đây là nơi trung chuyển và là điểm tụ hội của những đoạn đường sông từ biển Đông vào tới kinh thành Thăng Long. Cùng với hoạt động thương mại, người nước ngoài đã mang đến Phố Hiến những phong tục tập quán, kiến trúc mang đậm bản sắc văn hoá riêng của từng quốc gia, từng dân tộc. Điều này đã hình thành nên nét văn hoá đặc sắc riêng của đất và người Phố Hiến, vừa là điểm hội tụ, vừa là điểm giao thoa giữa các nền văn hoá. Mặc dù bị suy tàn, nhưng những dấu tích còn lại của Phố Hiến cho đến nay vẫn là một quần thể di tích có giá trị về mặt kiến trúc và lịch sử. Đây là nguồn sử liệu vô cùng quý báu, là bằng chứng chân thực nhất minh chứng cho sự hình thành và phát triển của Phố Hiến xưa (nay là thành phố Hưng Yên), là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật, dân tộc, xã hội của Việt Nam nói chung và Phố Hiến nói riêng.

Nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử văn hoá của cha ông để lại, từ nhiều năm nay, thành phố Hưng Yên đã khôi phục và tổ chức các lễ hội văn hoá vùng Phố Hiến, thường được diễn ra vào tháng Ba Âm lịch. Lễ hội gồm: lễ dâng hương, lễ cầu an, lễ rước kiệu của các di tích, cùng với đó là nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc như văn hoá ẩm thực, thi cầu kiều, kéo co, chọi gà, cờ tướng, bơi chải, đàn và hát dân ca, hội thi thả diều sáo, trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng Phố Hiến, trưng bày cổ vật tại Bảo tàng tỉnh…

Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Phố Hiến (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014./.

DS&CNVH (Tổng hợp)

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *