Tỉnh An Giang có 29 làng nghề truyền thống nhưng theo thời gian, một số làng nghề đang mai một dần. Trong đó, nghề tơ lụa Tân Châu có nguy cơ biến mất bởi số lượng chỉ còn lác đác…
Tân Châu là thị xã vùng biên thùy, nằm đầu nguồn sông Tiền, một thời nổi tiếng với nghề dệt lụa nên còn được gọi là xứ lụa. Lụa Mỹ A Tân Châu nức tiếng khắp nơi do hàng bền và đẹp…
Nổi danh xứ tơ tằm
Theo các nhà nghiên cứu, nghề lụa Tân Châu phát triển từ thập niên 30 của thế kỷ XX. Tân Châu khi đó nổi tiếng khắp miền nam với nghề trồng dâu nuôi tằm. Có nhiều ông chủ ruộng dâu giàu có, xài tiền như Công tử Bạc Liêu nên người ta gọi Tân Châu là “xứ bòn vàng”.
Nghề trồng dâu ở Tân Châu gọi là “ruộng dâu”, không gọi là “vườn dâu” như các vùng khác. Vì mỗi kỳ bán dâu, người ta không tuốt lá dâu như các nơi khác mà chặt sát gốc rồi cột lại từng bó mang về cho tằm ăn. Trong vài tháng, ruộng dâu đó gặp mưa thì đâm chồi xanh um.
Tân Châu nổi danh là xứ tơ tằm, là trung tâm tơ lụa miền nam. Ở xã Long Phú có nhiều lò ươm tơ danh tiếng. Thời đó, cả vùng Tân Châu sản xuất từ 4 đến 6 tấn tơ chỉ mỗi năm để cung ứng cho ngành dệt địa phương. Hàng danh tiếng ở Tân Châu là lãnh “Mỹ A” được tiêu thụ mạnh khắp nơi và xuất ngoại.
Bà Lê Thị Kiều Hạnh, 67 tuổi, chủ cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc ở phường Long Hưng, thị xã Tân Châu, cho biết, bà là thế hệ thứ 3 gắn bó với nghề lụa Tân Châu. Lãnh Mỹ A truyền thống màu đen huyền có hai loại gồm hàng trơn và hàng bông. Lụa nổi trội hơn các lụa xứ khác do chúng không hút nước, để càng lâu lụa lên màu đen bóng, giặt không phai màu.
Bà Lê Thị Kiều Hạnh tự hào: “Nghề lụa Tân Châu đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng cho vùng đất này, mỗi khi nhắc đến lãnh Mỹ A là gợi nhớ đến Tân Châu và ngược lại”.
Ông Huỳnh Trí Danh, 47 tuổi, ngụ thị trấn La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, vẫn còn nhớ khi còn nhỏ sống ở xã Long Phú, thị xã Tân Châu và thời niên thiếu đều mặc quần cụt (quần đùi) may bằng lãnh Mỹ A.
Ông Danh nhớ, trời hè mặc rất mát, còn mùa đông mặc rất ấm. Lúc nhỏ, ông Danh cùng bạn bè cùng trang lứa hay ra bờ sông Tiền tắm vào mùa nước trong xanh. Lúc này bờ sông rất nhiều đất sét nên cả nhóm tạo một con dốc đất sét cao thoai thoải có chiều dài hơn 2m, ngang 0,5m rồi ngồi trên đó chơi trò trượt xuống sông.
Lần nào cũng vậy, quần cụt Mỹ A bị dính đất sét bê bết nhưng xài mấy năm vẫn không bị rách đáy, còn quần bằng vải thường vài ngày bị rách cho thấy sức bền của loại tơ lụa danh tiếng này.
Từ năm 2000 trở về trước, các tân sinh viên làng lụa đến thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh thuê nhà trọ ở mới cảm nhận được sự tự hào của vùng quê. Những chủ nhà trọ biết sinh viên thuê nhà là người Tân Châu nên hay hỏi về làng nghề lụa. Có nhiều chủ nhà trọ còn bảo quản quần áo may bằng lãnh Mỹ A rất kỹ.
Tân Châu ở vùng biên giới, cách xa vùng Hậu Giang, Cửu Long, Minh Hải…, thời đó đi lại còn khó khăn nên dù yêu thích lụa Tân Châu cũng rất khó mua. Lãnh Mỹ A mềm mại và sờ vào mát lạnh, may quần áo mặc nhìn trang trọng nên các phụ nữ rất thích.
Nhưng đó đã là chuyện xưa. Do nhiều nguyên nhân, nghề lụa truyền thống Tân Châu đang ngày càng mai một. Lúc trước, về làng lụa, luôn nghe tiếng chạy rì rầm của máy dệt, tiếng nói cười của các thợ dệt, tiếng giũ lụa phành phạch vang lên trong gió khi đem lụa phơi nắng…
Bây giờ, làng lụa đã vắng những âm thanh quen thuộc một thời. Sự thay đổi khiến các chủ cơ sở nhói lòng, các ruộng dâu biến mất, nguyên liệu chính lên màu cho lụa là cây mặc nưa bị chặt bỏ, các khung dệt nằm chỏng chơ.
Cả một vùng rộng lớn của xứ lụa nhưng đi cả đoạn dài mới nghe được tiếng máy dệt lẻ loi từ cơ sở dệt lụa Hồng Ngọc, cơ sở dệt lụa Tám Lăng. Làng lụa một thời từng tấp nập cả chục cơ sở, bây giờ người còn gắn bó chỉ đếm trên đầu bàn tay. Chỉ vài hộ còn níu kéo làng nghề xưa, số còn lại bán khung dệt, chuyển nghề khác.
Nguyên nhân do giá lụa quá cao, cây mặc nưa bị chặt bỏ dần nên thiếu nguyên liệu nhuộm lụa không còn. Nhưng quan trọng nhất, các mặt hàng dệt may công nghiệp với giá rẻ đã đẩy bật nghề lụa truyền thống, trong đó có lãnh Mỹ A.
Nguyên nhân do giá lụa quá cao, cây mặc nưa bị chặt bỏ dần nên thiếu nguyên liệu nhuộm lụa không còn. Nhưng quan trọng nhất, các mặt hàng dệt may công nghiệp với giá rẻ đã đẩy bật nghề lụa truyền thống, trong đó có lãnh Mỹ A.
Vắng bóng thợ thầy
Lúc trước, vào hàng quán ở làng lụa sẽ gặp những người đàn ông khỏe mạnh nhưng hai cánh tay từ phần cùi trỏ trở xuống đều bị đen thui. Đó là thợ nhuộm lụa, còn thợ dệt lụa hai bàn tay bình thường.
Hai cánh tay thợ nhuộm nhìn khác lạ do khi làm nghề bị dính mủ nước trái mặc nưa ngấm đen không tẩy rửa được. Chỉ khi bỏ nghề thì vài năm sau vết đen mới mờ dần đi. Còn gắn với nghề là bị đen tay nhưng chẳng ai quan tâm bởi nó là chỉ dấu cho sự tự hào khi làm ra tấm lụa đắc địa vang danh khắp nơi.
Lụa Tân Châu qua thời, các thợ thầy cũng vắng bóng. Bây giờ vào hàng quán, đi qua xứ lụa ít gặp những người có tay đen như lúc trước. Cái biệt danh “bàn tay đen” của các thợ thầy cũng bị lãng quên như số phận làng nghề đang khắc khoải.
Một thợ nhuộm của cơ sở Hồng Ngọc “bật mí”, để có tấm lụa bền đẹp phải dùng mủ từ trái mặc nưa (nhìn như trái táo) có màu xanh đậm nhưng không ăn được do có nhiều mủ.
Trái mặc nưa được trồng nhiều ở Tân Châu, tháng 6 là bắt đầu cho trái cho đến khi hết mùa mưa trong năm. Đến nay, cũng chưa có loại trái hay phụ phẩm nào thay thế được mặc nưa để làm ra màu đen huyền của lụa.
Khi chín, trái nặc nưa có màu vàng là lúc ủ mủ nhiều nhất nên người ta hái trái, đem nghiền nát rồi pha vào nước, lọc lấy nước và mủ. Sau đó, thợ nhuộm lấy tấm lụa trắng ngâm vào nước mặc nưa này và công đoạn này gọi là nhuộm lụa.
Sau đó máng lụa trên cây cọc tự chế để vắt ráo nước rồi đem phơi nắng để nước mặc nưa thấm từ từ vào lụa. Hôm nào phơi gặp mưa phải cuốn lụa đem cất, nếu không, bị dính nước mưa ảnh hưởng đến quá trình lên màu.
Cứ như thế, nhiều lần nhuộm, vắt, phơi cả tháng trời tùy theo nắng gió mà tấm lụa lên màu đen óng ánh. Lúc này, thợ nhuộm đem lụa ra sông xả và đập lụa, công đoạn này gọi là “da”. Làm đến da thứ 6 hoặc thứ 8 thì lụa Mỹ A hoàn thành.
Khó mà diễn tả hết nhọc nhằn của thợ lụa và đó cũng lý do tại sao lãnh Mỹ A luôn đẹp, bền, có giá cao. Người thợ nhuộm phải có sức khỏe mới theo được với nghề. Cánh phụ nữ do sức yếu và giữ thẩm mỹ đôi bàn tay nên ít ai làm thợ nhuộm…
Giữ lấy làng nghề
Làm lãnh Mỹ A không thể làm qua loa hoặc giảm công đoạn, nếu không lụa không đẹp, không bền, mất danh tiếng. Tại Tân Châu chỉ còn cơ sở Hồng Ngọc, Tám Lăng gắn bó với nghề.
Hôm đến cơ sở Hồng Ngọc, nhìn gian hàng của chủ cơ sở là Lê Thị Kiều Hạnh, thấy rõ sự suy tàn của làng nghề “đệ nhất xứ lụa”.
Khu vực trưng bày sản phẩm ngoài lãnh Mỹ A còn có các loại lụa màu, loại này tất nhiên rẻ tiền hơn. Lãnh Mỹ A ngày xưa chỉ có đen trơn và bông, nay chủ cơ sở cho thêm các hoa văn cảnh làng quê trên lụa để thu hút thị hiếu khách hàng hơn.
Bà Kiều Hạnh tâm sự, hàng lụa đa dạng mẫu mã nên được nhiều người ưa chuộng, quan tâm. Hiện, cơ sở của bà làm lụa Mỹ A theo đơn đặt hàng, còn lại chủ yếu là lụa màu.
Hàng Mỹ A không tiêu thụ mạnh như xưa nhưng vẫn bán được cho những người yêu thích loại lụa kiêu sa này. Đó là động lực cho bà gắn bó, tha thiết với nghề.
Bà Kiều Hạnh cho biết, sở dĩ có tên gọi lãnh Mỹ A bởi vì Mỹ nghĩa là đẹp, A là hàng loại nhất. Theo bà Kiều Hạnh, 1 mét lụa lãnh Mỹ A giá từ 1 triệu đồng trở lên, tùy thời điểm.
Cơ sở của bà Kiều Hạnh được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm tìm đến. Bà Kiều Hạnh tâm sự, thời vàng son của nghề lụa đã trôi qua, nhưng với bà, đó là nghề xưa ông bà, cha mẹ để lại nên dù khó khăn vẫn cố giữ lấy nghề.
Lúc cầm tấm lụa lãnh Mỹ A thấy mát lạnh bàn tay, màu đen tuyền của lụa thật đẹp. Để làm ra những tấm lụa này chắc chắn thợ thầy phải tốn nhiều công sức.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, Thành phố Hồ Chí Minh
Sự mai một của nghề lụa Tân Châu là điều đáng tiếc. Để duy trì và khởi sắc trở lại làng nghề xưa rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc tạo cơ chế chính sách, đào tạo nghề, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, cũng cần thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề giúp thợ thầy có thêm sinh kế và gắn bó với nghề. Các chủ cơ sở, ngành chức năng cần phối hợp các tour du lịch, mời gọi khách tham quan đến tìm hiểu, trải nghiệm quá trình làm lụa Tân Châu.
Có như thế, mới giữ được làng nghề đang mai một và nguy cơ biến mất. Mong rằng tới đây, các sản phẩm lãnh Mỹ A truyền thống sẽ phát huy giá trị, góp phần lưu giữ làng nghề truyền thống độc đáo trong nhịp sống hiện đại…
DS&CNVH (Tổng hợp)